Lượt xem: 1379

Ngành tuyên giáo với việc xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở

Môi trường văn hóa là một bộ phận của môi trường sống của con người, môi trường văn hóa lành mạnh là cơ sở để phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, khu dân cư, nông thôn, đô thị, công sở và trường học… lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ là nhiệm vụ trọng yếu để phát triển văn hóa dân tộc hiện nay. Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế”.

 


Ảnh minh họa

    * Hiệu quả của công tác tuyên truyền, cổ động

    Môi trường văn hóa là một bộ phận của môi trường sống của con người, bao gồm tổng thể hữu cơ các yếu tố vật thể, tinh thần và quan hệ xã hội mang tính nhân văn, tác động qua lại với con người. Môi trường văn hóa có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững của đất nước. Từ các quan điểm, nghị quyết của Đảng về văn hóa trong các thời kỳ đã khẳng định: Xây dựng môi trường văn hóa mới lành mạnh góp phần phát huy vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa động lực phát triển kinh tế - xã hội và con người.

    Xây dựng môi trường văn hóa mới lành mạnh được xác định là một trong những nhiệm vụ cơ bản của công tác văn hóa, văn nghệ của Đảng. Thời gian qua, phát huy vai trò chức năng của công tác tư tưởng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tập trung triển khai nhiệm vụ công tác văn hóa, văn nghệ, trong đó có nội dung xây dựng môi trường văn hóa và đạt được những kết quả nổi bật.

    Trước hết, thông qua công tác tuyên truyền, cổ động, ngành Tuyên giáo đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, trọng tâm là: Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chương trình hành động số 37-CTr/TU, ngày 31/7/2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; Kết luận số 51-KL/TW, ngày 22/7/2009 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TW, ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW”;…

    Song song đó, ngành Tuyên giáo đã chủ động trong việc định hướng các hoạt động văn hóa - văn nghệ, lễ hội của tỉnh nhà nhằm đảm bảo các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ thiết thực, phù hợp với nếp sống văn minh, thuần phong, mỹ tục và theo đúng quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó tập trung vào các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh như: biểu diễn văn hóa, văn nghệ; tuyên truyền, cổ động trực quan chào mừng Đại hội Đảng các cấp; tuyên truyền, cổ động cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh…

    Đồng thời, tích cực phối hợp với ngành Văn hóa và các đơn vị liên quan trong việc tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở lành mạnh, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên và qua đó tạo sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh” trong những năm gần đây đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực, được nhân dân đồng thuận cao. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 762/775 ấp, khóm văn hóa; 13/17 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 58/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao). Thông qua việc thực hiện phong trào rộng khắp đã góp phần lãnh mạnh hóa môi trường xã hội, nếp sống văn hóa được củng cố tại các khu dân cư, khóm, ấp và nơi công cộng; nhiều thuần phong, mỹ tục được vun đắp, các hủ tục dần dần bị loại bỏ; nhiều biểu hiện tiêu cực trong việc cưới, việc tang và lễ hội từng bước được khắc phục. Từ đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự trở thành cuộc vận động văn hóa lớn, nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, là sợi dây gắn kết các phong trào thi đua trong các đơn vị, cơ quan, trường học và địa bàn dân cư.

    Cùng với việc xây dựng môi trường văn hóa ở khu dân cư, môi trường văn hóa trong gia đình được quan tâm, góp phần phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu, bổ sung những giá trị mới, tiến bộ của gia đình thời hiện đại. Trong đó, việc thực hiện và đánh giá kết quả các tiêu chí xây dựng “Gia đình văn hóa” ngày càng được chú trọng và đầy đủ hơn. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 93,24%. Cùng với công nhận gia đình văn hóa, còn thường xuyên biểu dương và tặng danh hiệu “Gia đình hiếu học”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo...; qua đó cổ vũ, đề cao giá trị văn hóa gia đình truyền thống của dân tộc. Môi trường văn hóa học đường cũng được cải thiện từ các phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” góp phần xây dựng trường học văn minh, thân thiện.

    Điểm sáng trong công tác tuyên truyền xây dựng môi trường văn hóa vừa qua đó là việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa công vụ được các cơ quan triển khai đã góp phần tích cực vào công cuộc cải cách hành chính cũng như đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, với những kết quả tích cực từ việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn bộ hệ thống chính trị những năm qua, trong đó các cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị coi trọng và nâng cao văn hóa lãnh đạo và quản lý; thể hiện tốt trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tận tụy, đoàn kết, có ý thức kỷ luật, nói đi đôi với làm; thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tệ quan liêu, hách dịch; kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã góp phần tạo sự chuyển biến về văn hóa chính trị.

    Có thể khẳng định, thành quả từ các phong trào này đã góp phần kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc; huy động sức mạnh của cộng đồng, đoàn kết trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư thành những môi trường văn minh, hiện đại.

    Những kết quả đạt được nêu trên rất đáng khích lệ nhất là trong bối cảnh khó khăn và thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập trong xây dựng môi trường văn hóa như: Nhận thức, hành động của xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa, con người trong phát triển bền vững đất nước và về các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về văn hóa chưa được đầy đủ, chưa thấm sâu vào đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng văn hóa chưa thường xuyên, liên tục, thiếu chiều sâu. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa thiếu đồng bộ, hầu hết chưa đạt chuẩn theo quy định, chưa tương xứng với sự phát triển chung của tỉnh; hiệu quả sử dụng thấp. Kinh phí đầu tư cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ còn hạn chế. Việc tổ chức thực hiện các cuộc vận động trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nơi còn chạy theo thành tích và số lượng. Chất lượng công nhận gia đình văn hóa, ấp, khóm văn hóa chưa cao và thiếu vững chắc.

    Những hạn chế, bất cập nêu trên có một phần nguyên nhân là do trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết ở một số sở, ngành, địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự đồng bộ và quyết liệt. Quản lý nhà nước về văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan văn hóa với các cơ quan chức năng có liên quan. Mặt khác, do ảnh hưởng của COVID-19 nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong 2 năm 2020, 2021 giảm nhiều cả về quy mô và số lượng, nên ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyên truyền, cổ động xây dựng môi trường văn hóa cũng như sự thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Ngoài ra, trước sự tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin giả, sai sự thật gây hoang mang dư luận, kích động thù hận, bạo lực trên Internet, mạng xã hội chưa được xử lý, ngăn chặn triệt để; sự du nhập làn sóng văn hóa không lành mạnh của thế giới vào trong nước cùng với việc các thế lực thù địch lợi dụng văn hóa để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước ta đã tác động tiêu cực đến môi trường văn hóa trong nước cũng như của tỉnh Sóc Trăng.

    * Nhiệm vụ, giải pháp xây dựng môi trường văn hóa

    Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối văn hóa nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nội dung Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua, nhất là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: đó là Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội…”, ngành Tuyên giáo tập trung nghiên cứu, tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa; trong đó chú trọng xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh trong xã hội, tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp sau đây:

    Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa trong phát triển, hoàn thiện nhân cách con người cũng như trong thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực khác của đời sống xã hội; về những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực văn hóa được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

    Thứ hai, định hướng, hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền, quảng bá về những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của địa phương. Chú trọng phát hiện, tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn, biểu dương các gương điển hình trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới; đồng thời phê phán các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Tăng cường bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

    Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”; xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, nhất là vận động thực hiện tốt Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tuyên truyền nâng cao ý thức và tinh thần dân tộc trong các doanh nghiệp, doanh nhân, xây dựng và phát triển các thương hiệu có uy tín trên thị trường.

    Thứ tư, chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội trên địa bàn tỉnh thiết thực, hiệu quả, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc và thuần phong, mỹ tục của từng địa phương; bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ, an ninh trật tự theo các quy định đã ban hành. Trong đó, cần hướng mạnh vào việc tôn vinh, đề cao những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc, những giá trị văn hóa của cộng đồng, gia đình Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân; bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Thứ năm, coi trọng việc xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị. Đảng ta luôn nhận thức rõ tầm quan trọng phải xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, chuẩn mực đạo đức cách mạng. Đối với ngành tuyên giáo, cần quan tâm thường xuyên đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phát huy vai trò gương mẫu, trách nhiệm, nêu gương của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương; tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thực dụng trong cán bộ, công chức, viên chức.

    Tóm lại, xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, công sở, nơi công cộng, nông thôn, đô thị và trường học… lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ là nhiệm vụ trọng yếu để phát triển văn hóa dân tộc hiện nay. Việc xây dựng môi trường văn hóa sẽ góp phần tạo ra những con người mới Việt Nam, đồng thời khắc phục và đẩy lùi cái xấu, cái ác ra khỏi đời sống xã hội. Tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị và củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh nhà.

LÂM TẤN HÒA UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 59
  • Hôm nay: 6026
  • Trong tuần: 76,733
  • Tất cả: 11,800,053